Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Biểu dương các nạn nhân chất độc da cam/điôxin vượt khó: Vượt lên nỗi đau

Ngày 6-8, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử đã tổ chức cuộc gặp mặt biểu dương nạn nhân chất độc da cam/điôxin có hoàn cảnh đặc biệt, vượt khó, với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho hơn 4 triệu nạn nhân cả nước. Họ đến đặt hoa ở Đài Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ (Bắc Sơn, Hà Nội); đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám; giao lưu, kể chuyện làm giàu, giúp đỡ lẫn nhau, hòa nhập vào cộng đồng xã hội, đóng góp chút công sức nhỏ cho đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp gỡ thân mật, cảm động với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin.

Trong hàng trăm nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở buổi giao lưu, tôi tình cờ gặp anh Đà Giang Tụng, cựu chiến binh đến từ ấp Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ - vừa là thương binh hạng 1/4, vừa là nạn nhân chất độc da cam. Anh Tụng như “khắc cốt ghi xương” cái ngày đơn vị anh trú quân ở cánh rừng Khộp, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Anh kể:

- Chiều ấy không có pháo, không bom, trời Xiêng Khoảng xanh và rất cao. Đơn vị đang nấu cơm thì một “thằng C130” bay đến. Từ hai cánh của nó phun ra một lớp màu trắng như sữa. Cả khu vực trú quân sực lên mùi rất khó chịu. Tôi bị tức ngực ngất đi. Sau lần ấy, sức khỏe cứ kém dần. Có lẽ do hít phải chất độc ấy mà dạ dày, gan, ruột "hỏng" hết.

Điều trị vết thương ổn định, anh Tụng chuyển về công tác ở ngành Lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ. Người anh cứ gầy như xác ve. Nhiều đồng đội thương anh an ủi: “Ông uống nghệ nhiều vào để sống thêm vài năm nữa”. Hình như lời nói của đồng đội và đứa con lớn do ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin bị bệnh tâm thần phân liệt đã động viên anh, giúp anh có nghị lực để vượt lên số phận.

Tháng trước, trong lần công tác, được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ giới thiệu anh là điển hình làm kinh tế giỏi, tôi đến thăm anh. Anh đưa tôi vào cánh rừng rộng 10 ha trồng toàn sao đen và keo tai tượng. Những cây sao và keo tai tượng 10 năm tuổi thẳng tắp, mỡ màng chuẩn bị đến ngày khai thác. Anh tự hào:

- Năm 1991, vết thương tái phát, trong người đầy bệnh, những lúc “trái gió trở giời” chất độc phát tác khiến mắt hoa, đầu nặng, chân tay như rời ra từng khúc, nhưng gia đình tôi vẫn nhận 5 ha rừng với ý nghĩ “có đất là có vàng”. Tôi đi vay vốn để mua cây keo và sao đen. Dưới gốc keo, gốc sao tôi trồng xen sắn, đậu tương, lạc… Nhờ chăm chỉ thức khuya dậy sớm, mỗi năm tôi thu được dăm tấn hoa màu, đủ lương thực để “no bụng”, có sức để chăm rừng. Năm 1993, tôi nhận thêm 5 ha nữa. Có lẽ do tôi chịu khó đọc sách kỹ thuật, biết cách chăm sóc nên rừng của tôi khá tốt. Năm nay, chỉ riêng tiền tỉa củi một tuần, rừng của tôi cũng cho số tiền một triệu đồng.

16 năm trồng rừng, anh chị đã tiết kiệm xây được căn nhà rộng 100m2. Anh khoe:

- Nhà ở giữa rừng không cần quạt điện nhưng mát quanh năm. Vốn liếng có được, tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích rừng. Cánh rừng này đã giữ nước cho khu ruộng dưới thung lũng, để một năm bà con ở xóm tôi có thể cấy được 3 vụ lúa. Tôi tự hào là thương binh “tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy anh em chúng tôi.

Không giống hoàn cảnh như thương binh Đà Giang Tụng, cựu chiến binh Lê Sĩ Tiến cứ 7 giờ sáng lại đẩy chi@����8@���C4�n, trên đó có đứa con đầu của ông – cháu Lê Thanh Hải – đưa đến Trường đại học Ngoại ngữ. 10 năm làm bác sĩ quân y ở chiến trường Tây Nguyên, ông đã bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Và di chứng ấy đã truyền sang con ông. Hải rất thông minh nhưng đôi chân như hai “dải khoai” cứ vắt va vắt vẻo. Tôi tìm đến thăm nhà ông vào buổi tối thứ bảy. Trong căn nhà nhỏ, chật chội, ông vẫn dành cho con căn phòng rộng nhất, đẹp nhất. Nơi ấy Hải đang chăm chú đọc thơ Bai-rơn bằng nguyên bản tiếng Anh. Ông Tiến vui vẻ tiếp tôi, ông nói:

- Tuy cháu bị nhiễm độc da cam nhưng vẫn rất thông minh, học đến năm thứ 3 cháu đã biết giúp đỡ gia đình bằng việc dịch thuê tài liệu về nuôi trồng thủy sản. Bạn bè, thầy cô giáo, kể cả người dân ở khu vực Trường đại học Ngoại ngữ đều gần gũi và giúp đỡ cháu khiến cháu hòa mình vào cộng đồng rất nhanh.

Cũng bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, thương binh Hoàng Đức Đồng khi rời quân ngũ đã tổ chức đồng đội, bạn bè lập ra Công ty cổ phần Thương mại CCB, chuyên sản xuất xe lăn cho thương binh nặng và các cháu bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Đã từng là cộng tác viên đắc lực của báo Quân đội nhân dân, gặp tôi, anh nói chuyện thân mật:

- Sức khỏe của mình yếu lắm. Cháu đầu – Hoàng Phúc Thắng – do bị nhiễm chất độc da cam/điôxin nên 12 tuổi mà trí tuệ của cháu như đứa trẻ lên hai tuổi. Công ty của mình chuyên sản xuất xe lăn cũng vì nghĩ ở Việt Nam, ngoài hàng vạn thương binh cần đến phương tiện này còn có hơn con số đó các cháu bị di chứng chất độc da cam mà tay chân, thân thể không còn lành lặn cũng cần đến nó.

Anh giới thiệu cho tôi chiếc xe lăn điện của công ty anh. Đó cũng là một sản phẩm làm bằng trí óc và tấm lòng của người cha đối với đứa con bị tật nguyền nên vô cùng tiện dụng.

Trong buổi giao lưu truyền thống “Bài ca ân nghĩa”, tôi gặp cháu Trần Quang Thái bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, đôi chân cháu ngắn như hai cục thịt, phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ. Nhà Thái ở phường Trần Hưng Đạo, thị xã Kon Tum. Nói về người cha, cháu Thái rơm rớm nước mắt:

- Cha cháu đi bộ đội, lúc rời quân ngũ xây dựng gia đình, cha không nghĩ sinh ra những đứa con không lành lặn như chúng cháu. Trong 5 anh em cháu thì 3 đứa bị di chứng chất độc da cam/điôxin. Ba, mẹ, các chị, bà con lối xóm, bạn bè trong trường đã giúp đỡ cháu rất nhiều nên cháu vừa tốt nghiệp lớp 12 đạt loại giỏi. Cháu dự định thi vào Trường đại học Bách khoa, khoa tin học để có thể tự mình sáng tạo ra những phần mềm tiện dụng nhất, để tất cả các bạn có cùng hoàn cảnh ở độ tuổi học sinh như cháu có thể sử dụng được.

Thời gian nghỉ hè này, Thái đang đi phụ với người chú sửa điện thoại di động để lấy tiền phụ giúp cha mẹ chỉ trông vào hơn một triệu đồng trợ cấp và cửa hàng tạp hóa nhỏ của mẹ.

Tôi vô cùng khâm phục cháu Nguyễn Sơn Lâm khi nghe cháu kể về những ngày bị bệnh tật hành hạ vẫn nghiến răng, chịu đau cắp sách tới trường. Bố cháu là thương binh nặng đã mất, hoàn cảnh vô cùng khó khăn lại bị dị tật do nhiễm độc da cam nhưng cháu đã vượt lên để có 3 bằng đại học ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật và được nhận công tác ở Công ty cổ phần truyền thông quốc tế VietNamnet. Cháu kể:

- Làm ở cơ quan truyền thông, cháu cũng có điều kiện để làm cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế thấu hiểu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/điôxin, để các công ty hóa chất độc của Mỹ phải có trách nhiệm đối với những nạn nhân do chính sản phẩm hóa chất độc của họ gây nên. Họ phải biết rằng họ đã làm nhiều người như cháu không tự đi được trên đôi chân của mình; nhiều phụ nữ không có niềm hạnh phúc làm mẹ; nhiều cựu chiến binh khi rời quân ngũ vừa phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, vừa phải gồng mình lên để nuôi những đứa con do chính họ sinh ra bị di chứng chất độc da cam/điôxin.

Dù rất bận công việc nhưng chiều ngày 6-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn dành thời gian để gặp gỡ, động viên, biểu dương các nạn nhân chất độc da cam/điôxin vượt khó.

Cả hội trường Văn phòng Chủ tịch nước vang lên tiếng vỗ tay không ngớt của các đại biểu khi nghe được các cháu Nguyễn Sơn Lâm và cháu Trần Thị Hoan báo cáo thành tích vượt khó của mình. Cháu Hoan nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, bố là bộ đội chiến đấu ở chiến trường, khi sinh ra chỉ có 1 tay, còn tay kia và 2 chân chỉ là 3 mẩu thịt thừa. Vượt lên hoàn cảnh, cháu vừa hoàn thành kỳ thi đại học năm nay. Nghe các cháu nói, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không cầm được lòng mình, ôm lấy các cháu, xúc động:

- Các cháu đã làm được một việc mà ngay cả người bình thường muốn làm được cũng rất khó. Bác rất vui vì các cháu đã phát huy truyền thống cha anh trong học tập và lao động.

Chủ tịch biểu dương những nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã vượt lên nỗi đau để tự khẳng định mình, trong đó Hội Nạn nhân chất độc da cam có một vai trò vô cùng quan trọng giúp Nhà nước có những chế độ chính sách để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/điôxin ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch đề nghị Hội cần đấu tranh để 37 công ty sản xuất hóa chất độc của Mỹ phải có trách nhiệm đối với những nạn nhân đang mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo do chính sản phẩm của công ty họ gây nên.

Các nạn nhân da cam/điôxin không đơn độc, bên cạnh họ Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế hướng về họ, giúp đỡ, nâng họ dậy để họ tin tưởng hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Ở buổi giao lưu, tôi gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Nhật Vũ, Giám đốc công ty cổ phần An Viên, ông cho biết:

- Đất nước có được ngày hôm nay là nhờ các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… Những gia đình này ngoài thương tật, nhiều người còn bị nhiễm chất độc da cam đến đời thứ 3, và không biết bao giờ mới chấm dứt. Là doanh nghiệp, chúng tôi luôn giữ được truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta để tri ân họ. Công ty tôi ủng hộ 3 tỷ đồng để xây nhà, giúp các nạn nhân da cam/điôxin có việc làm, cấp học bổng cho các cháu…

Họ - những nạn nhân chất độc da cam/điôxin - vượt lên nỗi đau, bệnh tật, vết thương với việc làm tốt đã khẳng định thế đứng của mình trong xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét