Từ ngày 27-11 đến ngày 1-12 năm 2000, tại Xingapo đã diễn ra cuộc họp của các nhà khoa học từ Mỹ và Việt Nam. Mục đích của cuộc họp này là đặt cơ sở cho sự hợp tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường do chất độc mầu da cam và các loại thuốc diệt cỏ mà Mỹ đã rải xuống trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 18- 8 -2000, cuộc họp trù bị đã diễn ra tại Mỹ. Tại đây các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm tới chất độc màu da cam đã tham dự và đưa ra những vấn đề chính cần được trao đổi trong cuộc họp ở Xingapo.
Tại Xingapo, cả hai đoàn Mỹ và Việt Nam đã đồng ý cùng nhau nghiên cứu đánh giá chính xác mức độ, vùng bị ô nhiễm chất độc mầu da cam, cũng như ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, con người và môi trường.
Từ cuối năm l962 đến đầu năm 1971, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải 19 triệu galông chất diệt cỏ lên những cánh rừng nhiệt đới ở Việt Nam và Lào, với hy vọng phá hủy các căn cứ của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất là 2,4-D và 2,4,5-T. Hai loại này được phân biệt riêng dựa vào mầu vàng của vỏ thùng đựng vì vậy được đặt tên là "chất độc mầu da cam".
Những thuốc diệt cỏ này có chứa một lượng nhỏ sản phẩm phụ là chất 2, 3,7, 8 - tetraclođibenzo - p - đioxin (TCDD) và được gọi là đioxin. TCDD là hợp chất hữu cơ bền, có chu kỳ bán phân rã 8,7 năm trong cơ thể con người. Sau 25 năm kết thúc chiến tranh mà đioxin vẫn còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. TCDD có hoạt tính sinh học mạnh, làm suy giảm hệ thống miễn dịch động vật, gây nên chứng hở vòm miệng và thiếu hụt đường tiết niệu ở chuột. Nếu chuột bị nhiễm TCDD, hóc môn sẽ bị rối loạn, làm ảnh hưởng tới chức năng của hệ thống nội tiết. TCDD còn gây ung thư (ung thư gan, các loại khối u, hodgkin), các vấn đề trong sinh sản và còn nhiều bệnh khác nữa. Tháng 2 năm 2001, TCDD đã được liệt vào danh sách những chất gây ung thư.
Hai bên đã thông qua 3 vấn đề mấu chốt trong hợp tác nghiên cứu: ảnh hưởng của TCDD tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường và xây dựng cơ sở nghiên cứu TCDD ở Việt Nam.
Đoàn Việt Nam đã đưa ra 4 vấn đề cần giải quyết trước có liên quan đến sức khỏe con người. Thứ nhất, cần nghiên cứu các bệnh dịch có liên quan đến TCDD. Thứ hai, nghiên cứu hoạt tính sinh học đặc biệt của TCDD ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, sinh sản và gen. Thứ ba, nghiên cứu tìm ra biện pháp phòng ngừa và tuyên truyền rộng cho nhân dân thông qua giáo dục và cải thiện sức khỏe ở cộng đồng. Thứ tư, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề tìm ra những biện pháp chữa bệnh mới - có thể kết hợp với y học cổ truyền.
Về nghiên cứu, đánh giá và cải thiện môi trường ở những vùng nhiễm chất độc mầu da cam, hai bên đã nhất trí phải tìm ra những điểm nóng. Trong cuộc họp người ta đã thảo luận kỹ về công nghệ xử lý môi trường và sự phối hợp giữa hai bên. Trước mắt, dùng phương pháp phân tích nhanh, chính xác, rẻ tiền để xác định thùng nào bị ô nhiễm nhiều để xử lý trước.
Muốn nghiên cứu ảnh hưởng của TCDD, cũng như cải thiện môi trường thì phải xây dựng các phòng nghiên cứu ở Việt Nam và Lào. Trước mắt, các nhà khoa học Việt Nam sang Mỹ học tập và nghiên cứu, sau đó, mạng Intemet có thể là phương tiện đào tạo từ xa. Phía Mỹ hứa giúp Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm có khả năng xác định đioxin có trong cơ thể người và trong môi trường, thẩm định ảnh hưởng tới sức khỏe, cung cấp cho Việt Nam những phương pháp kiểm tra hiệu quả, đảm bảo và đào tạo cán bộ khoa học về kỹ năng và công nghệ để có khả năng nghiên cứu những vấn đề có liên quan tới TCDD. Để sự hợp tác giữa các nhà khoa học nhanh chóng được thực hiện, hai đoàn phải trình với chính phủ hai nước để ký hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ.
Phía Mỹ rất quan tâm tới sự hợp tác giữa hai bên và hứa giúp Việt Nam trong các vấn đề mà họ có nhiều kinh nghiệm như: vệ sinh dịch tễ, theo dõi ảnh hưởng sức khỏe do tác động của đioxin và những hợp chất giống đioxin tới con người và đào tạo cán bộ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét