Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008
Nhóm đối thoại Việt Nam-Mỹ về vấn đề da cam/đi-ô-xin: Rất cần sự cảm thông và chia sẻ của người dân Mỹ
Nhóm đối thoại Việt Nam-Mỹ về vấn đề da cam/đi-ô-xin tại buổi thảo luận
“Có bao nhiêu người thực sự biết đến hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người và môi trường Việt Nam chứ chưa nói đến có bao nhiêu người hỗ trợ cho việc giải quyết nó?”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, thành viên của nhóm đối thoại Việt-Mỹ về vấn đề da cam/đi-ô-xin đã mở đầu cuộc đối thoại chiều hôm qua tại Hà Nội bằng một câu hỏi.
Cần được thảo luận một cách cởi mở, rộng rãi
Theo bà Ninh, thực tế ở Mỹ hiện nay, vấn đề da cam/đi-ô-xin vẫn chưa phải là vấn đề thuộc diện phổ biến, chưa được nhiều người biết tới và quan tâm, hay nói theo cách dùng thời thượng trong giới chính trị thế giới hiện nay, chưa là một trong vấn đề “chủ lưu” trong sinh hoạt của nước Mỹ và người Mỹ.
Chính vì thế, mỗi khi đưa vấn đề đi-ô-xin ra thảo luận ở bên Mỹ thì có nhiều người vẫn mang những phản ứng có tính “tự vệ”. Điều đó được bà kiểm chứng qua nhiều câu chuyện. Dẫn câu chuyện về Bin Ghết trong chuyến sang Việt Nam lần thứ hai để tìm hiểu việc tài trợ cho các dự án y tế cộng đồng của Việt Nam, khi được hỏi về vấn đề đi-ô-xin, nhà tỷ phú không tiếc tiền làm từ thiện ngay câu đầu tiên đã hỏi “hậu quả của việc sử dụng da cam/đi-ô-xin với con người và môi trường Việt Nam là gì?”.
Câu chuyện thứ hai là về Thượng nghị sĩ Gim Oép, một người có mối liên hệ khá gần gũi với Việt Nam (vợ ông là người Mỹ gốc Việt). Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Gim Oép đã phát biểu cam kết hỗ trợ tăng cường quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng khi bà Ninh đề cập đến việc quốc hội Mỹ phân bổ ngân sách 3 triệu USD hỗ trợ việc giải quyết vấn đề môi trường và sức khỏe của những người sinh sống ở vùng bị nhiễm đi-ô-xin ở Việt Nam thì ông Gim Oép cũng phản ứng gần như tương tự. “Ông ấy cũng trả lời ngay rằng tác động môi trường là có thể hiểu được nhưng tác động với sức khỏe người dân thì cần thận trọng vì vấn đề này rất dễ bị lạm dụng”, bà Ninh nhớ lại.
“Chủ lưu hóa” ở đây theo ý bà Ninh là để vấn đề đi-ô-xin da cam được thảo luận một cách cởi mở và rộng rãi hơn, để nó trở thành câu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày của người dân Mỹ. Đây là diễn đàn mở, không đối đầu, với mục đích là đem lại sự hỗ trợ tối đa cho nạn nhân da cam/đi-ô-xin. Vì vậy, việc đưa vấn đề này ra thảo luận như câu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày của người Mỹ là thực sự cần thiết, để họ có thể cảm thông và chia sẻ, từ đó dẫn tới những sự hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam mà không cần thông qua các dự án.
Cần phải có một phòng xét nghiệm đi-ô-xin tại Việt Nam
Một trong những mục tiêu của nhóm đối thoại là việc xây dựng một phòng thí nghiệm đi-ô-xin tại Việt Nam. Về vấn đề này, đại diện của UNDP đã thắc mắc có cần thiết không khi mà ở Việt Nam đã có 3 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn trung bình khá trong số 16 phòng thí nghiệm chuyên dụng về đi-ô-xin trên thế giới. Theo giáo sư Võ Quý, thành viên của nhóm đối thoại, các phòng thí nghiệm ở Việt Nam có khả năng rất thấp, trong khi cần rất nhiều phân tích về đi-ô-xin. Nếu muốn phân tích đi-ô-xin ở Việt Nam một cách chi tiết thì một chục phòng thí nghiệm vẫn là chưa đủ, vì vấn đề đi-ô-xin ở Việt Nam là rất lớn. Do đó Việt Nam cần có một phòng thí nghiệm tiêu chuẩn cao nhất để giải quyết các vấn đề về môi trường và con người.
Theo giáo sư Quý, Việt Nam đã gửi rất nhiều mẫu vật phẩm và bệnh phẩm ra nước ngoài để xét nghiệm nhưng kết quả cho về chưa chắc đã đủ độ tin cậy. “Điều quan trọng là chúng tôi cần phòng thí nghiệm không phải mục đích đưa ra lý lẽ để kiện mà trên hết để hiểu được thực chất việc nhiễm đi-ô-xin ở Việt Nam hiện nay ở mức độ nào, từ đó đề ra phương hướng xử lý chính xác”.
Trong nhiều năm qua các nhà khoa học Mỹ đã mang hàng nghìn mẫu máu, đất, nước, thực phẩm từ Việt Nam sang Mỹ để làm các xét nghiệm và giá của một lần xét nghiệm cho một mẫu là từ 800 đến 2.000USD. Theo tiến sĩ Be-li, đại diện của Quỹ Ford, chi phí cho việc đó quá đắt đỏ và không khả thi. Ông Be-li cũng cho rằng để bảo đảm hiệu quả và lâu dài thì việc xây dựng một phòng thí nghiệm đi-ô-xin tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, về vấn đề ngân sách thì ông Be-li cho rằng ngoài nỗ lực của nhóm đối thoại và các nhà tài trợ, việc đưa vấn đề này ra thành “dòng chủ lưu” để thảo luận một cách cởi mở trong xã hội Mỹ cũng có thể thu hút thêm những cá nhân quan tâm, từ đó hình thành nguồn hỗ trợ chính.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét