Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

Giới khoa học quốc tế quan tâm tới vấn đề đioxin tại Việt Nam

Tại hội nghị quốc tế về dioxin lần thứ 27 tổ chức ở Nhật Bản mới đây, các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và Đức đã có 14 báo cáo về sự tồn lưu của điôxin trong môi trường và con người ở Việt Nam, tình hình sức khoẻ, dị tật bẩm sinh và tai biến sinh sản của các nạn nhân chất độc hoá học/đioxin ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33), những báo cáo này giúp các đại biểu tham dự hội nghị hiểu rõ hơn thực trạng hậu quả nặng nề của chất độc hoá học/điôxin ở Việt Nam và mở ra một số hướng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hoá học/điôxin ở Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu mới nhất về điôxin được công bố tại hội nghị đã một lần nữa khẳng định tính phức tạp, độc hại của điôxin. Chính vì vậy, các nhà khoa học yêu cầu cần phải có sự đầu tư thích đáng, liên kết chặt chẽ và hợp tác quốc tế trong phòng và chống nhiễm độc điôxin.
Hội nghị quốc tế về điôxin lần thứ 27 này diễn ra từ ngày 2 đến 7/9, thu hút sự tham gia của trên 1.000 nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu của Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, trong thời gian từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam 80 triệu lít chất khai quang diệt cỏ, trong đó có gần 400kg điôxin. Bởi vậy, số người bị phơi nhiễm điôxin lên tới 4,8 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người được công nhận là nạn nhân chất độc da cam.
Thời gian vừa qua, vấn đề chất độc da cam/điôxin và tác động của nó đối với con người và môi trường Việt Nam đã trở thành đề tài nghiên cứu thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học Mỹ.
Ngay từ năm 1969, Hội Vì sự phát triển khoa học của Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với kinh tế và sức khoẻ ở Việt Nam. Giáo sư J.D Constable, một trong số những nhà khoa học tham gia vào nhóm nghiên cứu này, khẳng định rằng tác hại của chất độc da cam đối với sức khoẻ con người là rất rõ ràng thông qua tỷ lệ dị tật bẩm sinh, tình trạng sảy thai, lưu thai ở phụ nữ bị nhiễm chất độc da cam/điôxin.
Nghiên cứu của giáo sư J.D Constable cũng cho thấy chất độc hoá học quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam không chỉ đơn thuần làm rụng lá, mà còn phá huỷ cả những khu rừng có hệ sinh thái đa dạng phong phú của Việt Nam. Nhà khoa học này cho rằng trong khi tiếp tục nghiên cứu về chất da cam/điôxin thì việc cần làm là tăng cường chăm sóc sức khoẻ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Một nghiên cứu khác do Công ty tư vấn Hatfield (Canađa) phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam tiến hành cũng khẳng định chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã tàn phá sinh thái và có tác động đến sức khoẻ con người.
Công trình nghiên cứu đã được công bố trong các sách báo khoa học quốc tế này cũng kết luận chất độc da cam có liên quan đến nhiều loại bệnh ung thư, bệnh về miễn dịch và dị tật bẩm sinh./.(TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét