Chiến dịch sử dụng chất độc màu da cam tại chiến trường Việt Nam đã được quân đội Mỹ chính thức phát động ngày 30/11/1961 với mật danh: “Chiến dịch bàn tay dài” (Operation Ranch Hand). Chiến dịch này được Mỹ công bố chính thức kết thúc vào năm 1971 nhưng thực tế vẫn được nguỵ quyền Sài Gòn sử dụng tới tháng 4/1975.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân Mỹ và đồng minh đã sử dụng 16 loại chất diệt cây các loại với 100.000 tấn chất độc hoá học, trong đó có 57.000 tấn chất độc da cam trên diện tích khoảng 3 triệu ha ở Việt Nam.
Đi-ô-xin là loại hoá chất độc hại nhất mà loài người đã tổng hợp được năm 1957, gây nên hậu quả nặng nề lên người như ung thư, dị dạng, tâm thần và mức độ di truyền qua nhiều thế hệ dù với liều nhiểm độc rất thấp. Tình đến nay, chất độc da cam/đi-ô-xin đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống trên 4 triệu người Việt Nam, trong đó số người mắc bệnh được xác định là 447.845 người, chiếm 0,58% dân số cả nước với cả 3 thế hệ (nhiễm trực tiếp, con đẻ, cháu); các loại bệnh phổ biến là bại liệt, ung thư, tâm thần, bệnh ngoài da, suy giảm miễn dịch… Các vùng đất bị nhiễm chất độc nặng nhất thuộc các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…
Chia sẻ với nỗi đau và mất mát mà những nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin phải chịu đựng, Đảng và nhà nước ta đã ban hành các chế độ, chính sách xã hội đối với những người tham gia kháng chiến và con, cháu họ bị nhiễm chất độc hóa học Mỹ. Ngày 8/4/1981, Bộ thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn các Sở Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm độc. Ngày 23/2/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ trợ cấp cho các nạn nhân bị nhiễm độc. Ngày 5/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 120/2004 QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Viêt Nam (Quyết định này thay thế Quyết định số 26/2000/QĐ- TTh ngày 23/2/2000). Các địa phương đặc biệt quan tâm tới việc trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin là Tp.HCM, Khánh Hòa, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai.
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của Việt Nam đã được Giáo sư Tôn Thất Tùng đưa ra diễn đàn quốc tế từ năm 1970. Từ năm 1980 đến nay, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu về hậu quả chất độc này và yêu cầu phía Mỹ phải chịu trách nhiệm.
Ngày 30/1/2004, các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của Việt Nam đã khởi kiện 37 công ty Mỹ cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam lên Tòa án Liên bang Mỹ tại Bruclin (Niu Oóc- Mỹ). Phiên tranh tụng đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế, kể cả dư luận nhân dân và các chính khách Mỹ. Trong những ngày qua, nhiều nước và vùng lãnh thỗ, nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan ngôn luận và thông tấn báo chí trên thế giới đã thông tin bình luận ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của Việt Nam, góp phần làm dư luận Mỹ và quốc tế hiểu rõ hơn về lập trường của phía Việt Nam và trách nhiệm của phía Mỹ đối với hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, đòi các công ty Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ và đạo lý, lương tâm, đền bù vật chất cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Ngày 10/3/2004, sau 10 ngày kể từ phiên tranh tụng của vụ kiện, Chánh tòa án liên bang Mỹ Jack B.Weistein đã ra phán quyết: bác đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam. Đây là một quyết định vội vã, vô trách nhiệm và sai lầm của phiên toà này, giúp 37 công ty Hoá chất Mỹ trốn trách nhiệm đối với hậu quả nghiêm trọng mà họ đã gây ra.
Thế nhưng, được sự ủng hộ, cổ vũ của toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới, các nạn nhân chất độc da cam/Đi-ô-xin của Việt nam quyết đeo đuổi cuộc đấu tranh đến cùng-vì công lý, vì đạo lý, vì quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét